Nguyên liệu Bánh tro

Bánh gio Nhật - akumaki

Bánh tro làm từ hai nguyên liệu chính gạo nếp và nước tro (hoặc nước tro Tàu). Bánh tro được biết theo cổ truyền thường là không có nhân. Thành phẩm chỉ là một khối bột trong, rất lạt, tùy thích dùng chấm với mật ong, mật đường hay đường cát. Phần nhân sau này là do tùy vùng miền và tùy người làm bánh, nhưng thường được làm với hai loại: hoặc đậu xanh đãi vỏ nấu chín tán mịn với đường, hoặc dừa già nạo nhuyễn thành cơm dừa nhồi với nước đường[4]. Bánh thường được gói với lá tre bương hay còn gọi là tre lồ ô, loại tre có lóng dài, ống lớn và lá to bản chừng 5–6 cm và dài chừng 30 cm. Ngoài ra tùy địa phương, các loại lá như lá đót[5], hoặc lá dong, lá chuối cũng được sử dụng. Lạt buộc bánh được làm từ bẹ thân cây chuối phơi khô tước sợi hoặc ống giang chẻ sợi.

Gạo nếp được chọn làm bánh tro thường là gạo nếp ngon để thành phẩm được mềm mượt mịn màng, không sượng cứng, trong đó nếp nhung hay nếp cái hoa vàng đều hạt là những lựa chọn tốt nhất.

Nước tro, nước nẳng là thành phần cốt yếu tạo nên hương vị và màu sắc của bánh tro khác biệt với những loại bánh khác. Nước tro thường được làm bằng cách đánh nước vôi với tro, một sản phẩm thu được sau khi đốt cháy hoàn toàn một số loại thảo dược, dược liệu. Tùy vùng miền và thậm chí tùy gia truyền của người làm bánh mà các loại cây, quả được đốt cháy làm thành tro sẽ có những dị biệt. Người MườngThanh Sơn, Phú Thọ thường làm nước nẳng bằng cây mận, cây đu đủ rừng, lá trầu không, vỏ chuối tiêu hoặc lá mua và vôi. Người Kinh thường chưng nấu nước nẳng bằng vỏ quả sở, cây rừng, măng khô và vôị[6]. Bánh nẳng nổi tiếng đã đi vào ngạn ngữ "bánh nẳng chợ Tràng, gạo rang Tiên Lữ" ở Lập Thạch Vĩnh Phúc lại được làm với nước nẳng vốn là tro của các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, tầm gửi cây dọc[7]. Ở Đắc Sở huyện Hoài Đức, Hà Nội người dân thường dùng cây dền gai, rơm nếp, vỏ bưởi; ở Phú Yên là cây tầm gửi (trên loại cây lành như dâu, bưởi), cây mè (vừng) còn ở Yên Lãng[8] là rơm nếp, bẹ cau nếp, quả vừng và măng tre. Các nguyên liệu phơi khô rồi đốt thành tro, rây cho mịn đem hòa với nước vôi theo một tỷ lệ nhất định[1], gạn lấy nước thật trong. Để xem nước có đạt yêu cầu hay không các nhà làm bánh thường dùng lá trầu không nhúng vào khoảng 15-20 giây, vớt ra và bỏ vào miệng nhai mà thấy nước bọt đỏ như nước quết trầu là được.

Ngoài một số loại cây cỏ được dùng đốt thành tro nói trên, cũng có những phụ phẩm khác được bổ sung vào nồi luộc bánh nhằm làm thay đổi màu sắc của bánh như măng tre cho màu đỏ, măng vòi cho màu hổ phách (vàng nâu), lá sậy cho màu vàng nhạt.

Trong cuốn Nữ công thắng lãm của Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác có nêu công thức làm nước tro với cành lá cây rạ khoảng 5 phần, cây vừng khô 4 phần, lá tầm gửi 2 phần, vỏ quả xoan đâu (cây xoan trắng) 2 phần, vỏ quả bưởi một phần, lá thơm 2 phần. Các thứ ấy đốt ra lấy tro đem rây mịn. Đong một bát cho vào một bát nước ngâm. Cứ một cóng nước lại cho một bát vôi ngâm khoảng 15 ngày[9].

Hiện nay một số nơi do không có điều kiện đốt tro đã sử dụng nước tro Tàu (lye water), một loại hóa chất với tên gọi hóa học là natri hydroxit (NaOH) hay hydroxit kali (KOH), nhằm thay thế nước tro truyền thống. Tuy nhiên lạm dụng hóa chất này có thể gây ngộ độc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bánh tro http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/noi-tro/nau-n... http://laodong.com.vn/am-thuc/banh-nang-qua-cua-nu... http://phunuonline.com.vn/dinh-duong/so-tay-noi-tr... http://www.vietnamtourism.com.vn/news/vn/detail/68... http://www.dieutri.vn/songkhoe/16-12-2014/S5636/Hu... http://dulichbacgiang.gov.vn/diem-du-lich/lang-ngh... http://vssr.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/ngonn... http://suckhoedoisong.vn/van-hoa-the-thao/la-dot-h... http://suckhoedoisong.vn/y-hoc-co-truyen/tet-doan-... http://toquoc.vn/sites/vi-vn/details/31/mon-viet-d...